Sự nghiệp văn chương Liễu Vĩnh

Nội dung chủ yếu của từ Liễu Vĩnh là phản ánh tâm trạng buồn bực, bất mãn của đại bộ phận trí thức (trong đó có ông), có tài nhưng không gặp cơ hội trong xã hội phong kiến, hoạn lộ trắc trở, nên đi đến chỗ lạnh nhạt với công danh lợi lộc. Có thể thấy những điều đó trong các bài từ làm theo điệu "Phụng quy vân", "Quy triều quan", "Khán hoa", "Bát thanh Cam Châu", "Vũ lâm linh",...[5].

Ở khía cạnh khác, mặc dù xuất thân trong một gia đình quan lại theo Nho học mấy đời, nhưng Liễu Vĩnh từng "nhiều phen du ngoạn cùng hiệp khách", "thích làm các khúc ca trong hoa dưới nguyệt" ở chốn lầu hồng, như những bài từ làm theo điệu "Hạc xung thiên", "Trường thọ lạc", "Mê tiên dẫn",...[6]. Ở đấy, trên quan điểm của một văn nhân bất đắc chí, ông mô tả cuộc sống của các kỹ nữ, và bày tỏ sự cảm thông với họ. Thành thử, ông làm cho từ có nội dung xã hội nhiều hơn [7].

Đồng thời, Liễu Vĩnh còn làm khá nhiều bài tả cảnh phồn hoa của thị thành (Khai Phong, Hàng Châu, Tô Châu,...), như những bài từ làm theo điệu "Vọng hải triều".

Ngoài ra, lúc làm Diêm quan ở Định Hải, ông có làm bài thơ "Chử hải ca" (Bài ca nấu muối biển) rất đáng chú ý. Đây là một tác phẩm hiện thực ưu tú, giàu cảm xúc, tả cảnh khổ phơi lọc muối và cuộc sống nghèo cực của những người dân làm muối, đồng thời tố cáo giới quan lại địa chủ đã bốc lột họ [8].

Về nghệ thuật, nhờ học tập và tiếp thu kinh nghiệm sáng tác của các nhạc khúc dân gian thời đầu Tống và của một số tác giả thời Trung Đường; mà Liễu Vĩnh đã có nhiều sáng tạo: hoặc theo điệu cũ điền lời mới, hoặc tự sáng sáng tạo ra điệu mới; và làm cho ngôn ngữ từ thêm rõ ràng, bình dị vì đã được ông thông tục hóa và khẩu ngữ hóa...[8].

Thứ nữa, ông còn là người đầu tiên làm nhiều "mạn từ" (tức bài từ dài, trong Nhạc chương tập, "mạn từ" chiếm đến bảy tám phần mười), và làm cho nó trở thành một hình thức văn học thuần thục [9].

Ngoài ra, ông còn là người đã đem tình và cảnh lồng vào nhau, điều mà từ khúc dân gian đời Đường chưa có. Nhờ vậy, từ dân gian có một bước đổi thay khá rõ.

Trong số các nhà làm từ thời Bắc Tống, từ của Liễu Vĩnh được truyền bá rộng rãi [10], và được nhiều thế hệ sau thừa kế, phát huy. Ông là một nhà văn có ảnh hưởng xã hội tương đối lớn [11].